Theo diễn đàn mạng xã hội chuyên ngành ô tô (OTO-HUI), xe xăng lai điện (hybrid), xe chạy điện sạc bằng động cơ xăng (e-power) và nhất là ô tô thuần điện đang dần trở thành xu thế với số lượng đang ngày càng gia tăng. Song nguồn nhân lực thợ, kỹ thuật viên ô tô có chuyên môn về những dòng xe này hiện đang khan hiếm không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Thiếu thợ lành nghề

Hơn 5 năm làm thợ máy cho một garage khá lớn tại quận Gò Vấp (TP HCM), Lê Hữu Thọ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận những dòng xe mới. Anh cho biết mới đây, một chiếc xe hybrid được đưa vào garage để xem xét phần động cơ điện. Những người thợ nhiều năm kinh nghiệm nhất về máy loay hoay nhiều giờ mới có thể tìm được lỗi.

"Cấu trúc phần động cơ của xe hybrid khá phức tạp. Đa phần thợ máy như chúng tôi được học về động cơ đốt trong nên khi gặp những dòng xe này khá lúng túng. Phải tham khảo hãng và tìm hiểu thêm từ YouTube mới có thể khắc phục được" - anh Thọ nói. Còn anh Lữ Ngọc Nam (đồng nghiệp của anh Thọ) là thợ điện thì "than trời" khi phải xử lý các vấn đề liên quan về điện trên xe. Anh Nam cho rằng các dòng xe thuần điện ngày càng được ưa chuộng nhưng cũng hay gặp các vấn đề về điện. Song khác với những dòng xe truyền thống, xe thuần điện được thiết kế khác hoàn toàn, cấu trúc vì thế cũng phức tạp hơn nên việc tìm lỗi, sửa chữa vô cùng khó khăn. Đã vậy, các lớp nâng cao tay nghề cho những dòng xe mới chưa được tổ chức rộng rãi nên chỉ có thợ của hãng mới "biết nghề", thợ các garage đều tự mày mò.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP HCM tìm hiểu cấu trúc mô hình dòng xe thuần điện

Ông Đỗ Xuân Hạnh, quản lý xưởng sửa chữa bảo dưỡng của Công ty TNHH Ô tô Minh Phát (quận Gò Vấp), kể nhiều khi nhân viên không biết khởi động, di chuyển hoặc không dám tháo dỡ những dòng xe mới. Chẳng hạn mới đây một chiếc Toyota Corolla Cross bản HEV (xăng lai điện) đưa vào garage nhưng nhiều nhân viên e dè khi tiếp cận. "Nhân viên đã khởi động xe nhưng vì xe HEV khởi động không có tiếng động cơ nên tưởng máy chưa nổ. Khi khách đề nghị rửa khoang máy thì kỹ thuật viên bên mình trả lời không làm được vì chưa có quy trình rửa khoang máy cho xe HEV" - ông Hạnh kể.

Lượng ô tô cá nhân đang tăng rất nhanh nên nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa cũng rất lớn. Các garage từ lâu đã gặp khó khăn về nhân lực, nhất là người lành nghề. Theo ông Hạnh, đặc thù của ngành sửa chữa, bảo dưỡng ô tô là tay nghề phải cao, chuyên mảng như: sơn đồng, điện, động cơ, nội thất... Tuy nhiên, thực tế sinh viên ngành ô tô mới ra trường cũng cần nhiều thời gian để quen việc. Trong xu thế, các dòng xe mới đang thách thức nhân lực của ngành này. Chính các hãng cũng cạnh tranh nhân lực với các garage riêng lẻ. Vì vậy, người có tay nghề sửa chữa, bảo dưỡng, làm đẹp ô tô đang khan hiếm hơn bao giờ hết.

Đổi mới để bắt kịp xu hướng

Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài cho biết THACO hiện có hơn 60.000 nhân sự. Trong đó, số lượng người có trình độ đại học và trên đại học chiếm 32%; cao đẳng kỹ thuật chiếm 18%; công nhân kỹ thuật chiếm 50%. Trong thời gian tới, nhu cầu nhân sự tăng khoảng 15%/năm, đi kèm với chiến lược chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững.

Từ năm 2010, THACO đã thành lập trường cao đẳng nghề với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên mỗi năm nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, tập đoàn hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo; tuyển dụng cả chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc để đào tạo công nghệ, kỹ thuật và công nghiệp điện tử. "Nhằm đáp ứng từ xu hướng sử dụng những dòng xe mới, công nghệ mới, đơn vị liên tục tổ chức đào tạo cho nhân viên kỹ thuật để đáp ứng việc bảo hành, bảo dưỡng và sửa chữa các mẫu xe mới nhất trên thị trường" - ông Tài cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Đàm, Admin của OTO-HUI, cho biết diễn đàn kết nối hơn 300.000 thành viên và 335 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô, hơn 2.600 garage sửa chữa, bảo dưỡng và 48 trường đại học, cao đẳng trong ngành ô tô tại Việt Nam. Vì vậy, nhân lực của ngành được quan tâm, chia sẻ rất nhiều trong suốt 15 năm qua trên diễn đàn.

Thực tế, nhân lực ngành ô tô chưa đáp ứng đủ trình độ để đảm nhiệm các vị trí công việc theo yêu cầu mới, trong đó đáng chú ý là những yêu cầu về những dòng xe mới. "Chính sự phát triển nhanh chóng của xe điện, cả về công nghệ được ứng dụng, cho nên việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cần đổi mới để bắt kịp xu hướng, đòi hỏi mới của thị trường" - ông Đàm nhấn mạnh.

Do công nghệ phát triển nhanh, trong khi việc đào tạo chậm không theo kịp đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động. Các trường đại học cần đầu tư mạnh mẽ, hiện đại hơn và kết hợp chặt chẽ với các hãng sản xuất để cập nhật kiến thức mới nhất cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc "học đi đôi với hành" sẽ giúp cho sinh viên sớm làm quen với công việc, tránh để các doanh nghiệp phải đào tạo thêm.